HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng – Mô hình Hợp tác xã kiểu mới của huyện Mèo Vạc

BHG – Những năm qua chủ trương phát triển kinh tế tập thể của tỉnh ta nói chung, của huyện Mèo Vạc nói riêng đã có nhiều khởi sắc, các hợp tác xã (HTX) phát triển cả về chất và về lượng. Trước đây bà con nông dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa chỉ quen với phương thức sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh liên kết trong sản xuất, để có thể sản xuất ra những sản phẩm mang tính hàng hóa. Từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, công tác tuyên truyền về Luật HTX và mô hình HTX kiểu mới được lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân. Các sáng lập viên là những người con của 2 dân tộc Mông và dân tộc Dao trên địa bàn xã Tả Lủng (Mèo Vạc) đã được tham gia các lớp tuyên truyền về Luật HTX, hiểu rõ vai trò của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Từ đó có chung ý tưởng và đã vận dụng những tiềm năng thế mạnh của địa phương thành lập nên HTX với tên gọi HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng với 12 thành viên, tổng nguồn vốn ban đầu là 550 triệu đồng, ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là thu mua, sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản, chế biến sản xuất rượu, chè, mật ong, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất nông lâm nghiệp, cây dược liệu, vật tư nông nghiệp, xây dựng các công trình dân dụng vừa và nhỏ. Ngoài ngành nghề chính HTX triển khai các khâu dịch vụ khác cho bà con nông dân trong xã, như hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cung cấp con giống và đầu ra các sản phẩm nông lâm nghiệp, chăn nuôi, cung ứng giống vật tư cho nhân dân, hỗ trợ cho các hộ nghèo, các gia đình chính sách.

HTX DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP TẢ LỦNG

Ngay sau khi thành lập HTX bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tâng của HTX gồm, khu vực chế biến, chăn nuôi 7000m2 với 24 gian chuồng trại; khu vực sản xuất chế biến rượu 600m2; Trụ sở phòng làm việc, nhà ở cho công nhân 200m2. Tập trung triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, phân công nhiệm vụ cho Ban điều hành HTX và thành viên theo từng nhóm công việc, thường xuyên hướng dẫn cho các thành viên phương pháp sản xuất, chăn nuôi; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn, ngoài ra thành viên HTX còn được cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường, triển khai đăng ký mẫu mã, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm như Mật ong bạc Hà, Mật ong thảo Dược, Rượu ngô men lá Chí Sán, Rượu tam giác mạch… Từ hiệu quả đạt được sau một năm thành lập, HTX tiếp tục huy động nguồn vốn hoạt động, mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh như triển khai sản xuất chế biến rượu ngô men lá hiệu Chí Sán, rượu Tam giác mạch trung bình 2000 đến 2500 lít rượu/ tháng. Phát triển chăn nuôi tập trung đàn lợn gối nhau khoảng 120 con/Quý, đàn gia cầm khoảng 500 con/Quý, đàn bò duy trì 10 con/Quý, duy trì phát triển đàn ong mật gồm 600 đàn; chăm sóc và khoanh nuôi bảo tồn 10ha Giảo Cổ Lam tại các thôn lân cận. Ngoài ra HTX còn triển khai các khâu dịch vụ nhỏ lẻ khác, hỗ trợ cho các thành viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm, HTX đảm nhận bao tiêu và giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy sản phẩm của HTX luôn có chỗ đứng trên thị trường. Năm 2017 doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng, thu nhập bình quân 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Giống lợn đen Lũng Pù được HTX chú trọng phát triển chăn nuôi hàng hóa.
Được biết các sản phẩm của HTX được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng, Ban điều hành HTX đã luôn tìm tòi nghiên cứu thị trường, làm sao để sản phẩm làm ra không những đạt về doanh số mà điều quan trọng hơn cả là chất lượng và sự an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, đây cũng là tiêu chí HTX Tả Lủng luôn hướng tới trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Để đạt được tiêu chí nêu trên, Ban điều hành HTX đã chủ động tham khảo, học tập kinh nghiệm, trao đổi với các chuyên gia để tìm gia phương án tối ưu nhất áp dụng vào sản xuất. Với sự nỗ lực đó và sự quyết tâm làm kinh tế bằng chính công sức lao động của các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Lại thương xuyên nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đến nay HTX đã phát huy được khả năng của mình, biết vận dụng, khai thác phát huy được tiềm năng lợi thế sẵn có sản xuất ra các sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của vùng cao núi đá là mật ong Bạc Hà, Rượu ngô men lá Chí Sán, Rượu tam giác mạch… góp phần tạo ra sự bền vững cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trong xã. Trong thời gian tới HTX sẽ phấn đấu xây dựng phương án phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm; tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất chế biến chuỗi thực phẩm sạch, an toàn và xây dựng hoàn thiện các mẫu mã nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng một gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại trung tâm huyện…

Từ những thành công ban đầu của mình, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng đã góp phần khẳng định tính hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới, nâng cao vị trí vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp nông thôn của huyện vùng cao Mèo Vạc.

ĐỨC CƯỜNG